Các chính sách lớn dưới thời đệ nhị đế chế Napoléon_III

Napoléon III coi trọng xây dựng kinh tế, đặc biệt chú ý phát triển giao thông vận tải, đường sắt, đường bộ, đường sông và đường biển vào thời kỳ này được phát triển mạnh, tổng số chiều dài đường sắt từ 3.000 km năm 1851 thì đến năm 1869 phát triển đến hơn 16.000 km, lượng vận tải hàng hóa tăng lên lớp 10 lần, mạng lưới đường sắt toàn quốc bước đầu được hình thành. Paris trở thành một trong những đầu mối giao thông lớn nhất trên thế giới. Ngân hàng được thành lập nhộn nhịp: Ngân hàng tín dụng ruộng đất, Ngân hàng tín dụng động sản, Ngân hàng quốc gia, Ngân hàng tín dụng Lyon, v.v… được thành lập. Ngành kim hoàn và vốn tín dụng lãi suất cao được ưu tiên phát triển, 183 nhà tài phiệt lớn bắt đầu khống chế nước Pháp. Charles de Morny, người em cùng mẹ khác cha của Hoàng đế, là nhà đầu cơ vàng bạc lớn. Thời gian này chủ nghĩa tư bản Pháp phát triển nhanh chóng, đã hoàn thành được cuộc cách mạng công nghiệp. Sản xuất trong 20 năm tăng khoảng 2 lần, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu từ 2,6 tỉ franc tăng lên 8 tỉ franc. Các thành quả phát minh kỹ thuật có rất nhiều, chỉ riêng từ năm 1865 đến năm 1869 đã cấp 22.000 giấy chứng nhận phát minh. Ông chủ trương Nhà nước can thiệp vào kinh tế. Năm 1860 ký điều ước thông thương quan thuế với nước Anh, vì vậy phần lớn than, sắt, máy móc và các hàng dệt tràn vào nước Pháp, dẫn tới tình trạng các nhà tư bản ngành dệt và tư bản ngành luyện kim phản đối kịch liệt. Tuy vậy, điều này đã kích thích sự tăng trưởng kinh tế của nước Pháp, tạo điều kiện cho Pháp gia nhập nền kinh tế thị trường, gia tăng sức cạnh tranh. Hoàng đế hết sức coi trọng việc xây dựng các công trình văn hóa và kinh tế Paris. Năm 1853, ông ủy nhiệm cho Georges-Eugene Haussmann chủ trì việc xây dựng lại Paris theo mẫu do đích thân Hoàng đế thiết kế. Công trình này kéo dài suốt 17 năm. Các tầng nhà cao vút, nổi bật cùng với các đại lộ cây xanh, các cửa hàng buôn bán, rạp hát, các đài phun nước, khiến Paris trở thành nổi tiếng là thành Phố cây xanh của thế giới. Những thành tựu kinh tế của Đế chế tuy làm cho mức sống bình quân của nước Pháp trong thời gian đó có được nâng cao đôi chút, nhưng chưa làm cho đời sống của tất cả mọi người được cải thiện. Theo ước tính của Ôxman, năm 1862, Paris có 70% người chết không để lại bất kỳ một di sản nào, thậm chí ngay cả chi phí chôn cất cũng không có. Nhưng giai cấp tư sản đặc biệt là giai cấp tư sản tài chính lớn, lại phát tài to. Hoàng tộc đứng đầu là Hoàng đế và cung đình khôn khéo cướp đoạt, họ sống một cuộc sống cực kỳ xa hoa. Hoàng đế mỗi năm được hưởng tới 2,5 triệu franc, và còn có 7 triệu Franc tiền thu nhập về đất sản xuất của Hoàng gia. Hoàng hậu mỗi năm số tiền tiêu vặt cũng lên tới 120 vạn franc mà lương công nhân năm cao nhất chỉ có xấp xỉ 5.000 franc. Hoàng đế, ngoài thời gian từ tháng 12 hàng năm đến tháng 4 năm sau tại Paris ra, còn lại đều đi du ngoạn giải trí ở các nơi danh lam thắng cảnh: tháng 5 ở Saint Cloud, tháng 6, 7 ở Fontainebleau, tháng 8 đi Plombières hoặc Vans, tháng 9 đến Biarritz bên bờ biển, cuối tháng 10 trở về. Sau khi ở đây thời gian ngắn, ngày 15-11 đi Compiègne để săn bắn, hầu như năm nào cũng như vậy. Hoàng cung nhiều lần tổ chức vũ hội, các khách khứa phải mặc quần sóc, váy đầm và đi bít tất dài quân nhân phải mặc lễ phục quân đội. Còn trên vũ hội hóa trang, trang phục các thời kỳ lịch sử của các nước đều để hở mặt, các quý bà mặc một bộ lễ phục ban đêm, trị giá bằng tiền chi tiêu 2 năm của một gia đình bình dân.